Giáo dục nghề nghiệp – Con đường dẫn đến thành công

CMP – Gần 900 nghìn thí sinh trên cả nước vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và chính thức tham gia vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề. Từ đây, ngưỡng cửa cuộc đời sẽ mở ra trước mắt các em thông qua việc lựa chọn nghề nghiệp để học. Học sinh phải hiểu mình, hiểu nghề khi lựa chọn con đường tiếp theo và giáo dục nghề nghiệp chính là một con đường dẫn đến thành công cho giới trẻ.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người. Trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp.  Đây chính là cơ hội để các thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia lựa chọn đón đầu học nghề để có việc làm, ổn định cuộc sống và có cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo.

Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc.png
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Lao động thương Binh và Xã hội tham quan gian hàng triển lãm công nghệ giáo dục nghề nghiệp diễn ra cuối năm 2019.

Thành công từ lựa chọn phù hợp – Rộng mở con đường lập nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia lao động, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 96,2 triệu người, trong đó 56 triệu người tham gia lao động, tạo ra nhu cầu học rất lớn, trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch từ tuyển dụng nguồn nhân lực có bằng đại học sang tuyển lao động có chuyên môn, năng lực nghề nghiệp làm việc nhiều hơn bằng cấp. 

Đáng chú ý, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề để tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làm việc thực tiễn, đồng thời đây cũng là cách để đảm bảo đầu ra cho học viên.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp chủ động liên kết và tiếp nhận lao động học nghề vào làm việc thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn BIM,…

Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng hiện nay, đào tạo nghề được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trước sự chuyển dịch đó, học sinh, sinh viên trong các trường nghề ngày càng có lợi thế hơn về tay nghề cao, nhanh nhạy với công nghệ để biến đam mê, ý tưởng thành hiện thực”.

Theo đó, các ngành nghề trọng tâm cần được đào tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bao gồm: công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và 8 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch…

Đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Có thể thấy, GDNN đang là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, góp phần bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho thị trường lao động. Để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, việc cần thiết nhất hiện nay là phải đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, dạy học phải gắn với thực tiễn tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để công tác GDNN bắt kịp với xu thế phát triển nghề và nhu cầu của xã hội hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực triển khai nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trường lớp và nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường.

Theo đó, với 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 399 trường cao đẳng; 458 trường trung cấp; 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.

Bộ LĐ-TB&XH cũng chủ động đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng kỹ năng thực hành nghề. Xác định GDNN là “thực học, thực hành” nên Bộ luôn quan tâm đến giải pháp tăng cường kỹ năng thực hành cho người học, để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu tại nơi làm việc.

Theo đó, thời gian thực hành, thực tập thí nghiệm đối với trình độ trung cấp từ 55-75% và trình độ cao đẳng từ 50-70% thời lượng đào tạo. Nhiều cơ sở GDNN đã bố trí thời lượng học tại doanh nghiệp từ 25-40% thời lượng trong chương trình đào tạo.

Đặc biệt là việc phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; chuyển nội dung hội nghị tuyển sinh hàng năm thành Hội nghị tuyển sinh, tổ chức đào tạo và tuyển dụng, việc làm. Mời doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng chuẩn đầu ra cho 160 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng với sự tham gia của trên 500 lượt cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia đến từ doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, phân tích nghề, xây dựng và thẩm định chuẩn đầu ra. Phối hợp với các Bộ, ngành huy động doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên môn tham gia cập nhật, chỉnh sửa tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

“Bộ LĐ-TB&XH đã và đang chuẩn hoá về số lượng cũng như chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà giáo. Đến nay, tỷ lệ nhà giáo phù hợp với mục tiêu GDNN là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, nhà giáo dạy thực hành và tích hợp chiếm tỷ lệ 76,95% tổng số nhà giáo. Đây chính là điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay về tuyển dụng lao động”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Theo thống kê của các chuyên gia, cơ cấu lao động hiện nay chỉ cần khoảng 10% lao động có bằng cấp, 40% lao động có tay nghề chuyên môn cao, phần còn lại thuộc về tỉ lệ lao động phổ thông. Việc giới trẻ dịch chuyển qua xu hướng học nghề đã cho thấy sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp, đồng thời cho thấy học nghề dễ có việc làm, mang lại mức thu nhập cao và mở rộng con đường lập nghiệp hơn cho giới trẻ.

Nguồn: Thời báo kinh doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan