CMP – Lực lượng lao động có kỹ năng nghề là nguồn lực quý giá, chìa khóa mở ra hướng phát triển cho nhiều quốc gia. Thế nhưng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta mới đạt hơn 22% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi nên chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề là vấn đề không thể chậm trễ.
Việc trang bị kỹ năng nghề sẽ giúp người lao động chủ động nắm bắt cơ hội việc làm hoặc tự tạo ra những việc làm phù hợp. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta hiện mới đạt hơn 22% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng với hơn 12 triệu người. Số lao động qua đào tạo này chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của doanh nghiệp, càng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, ngoài các chính sách, giải pháp đã triển khai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, hấp dẫn người học nghề.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội , hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân bước vào độ tuổi lao động coi việc học nghề là phương án phụ trên chặng đường học tập để lập thân, lập nghiệp. Vì thế, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vị trí, vai trò của lực lượng lao động có kỹ năng nghề trong xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cũng cho biết, Bộ vừa lựa chọn 10 cá nhân tiêu biểu, thành công từ học nghề làm “Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam”. Thông qua nhiều chương trình, hoạt động, các đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam sẽ tạo nguồn cảm hứng cho giới trẻ tích cực học tập, rèn nghề. Ngoài ra, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển. Việc đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm tiếp tục được quan tâm, từng bước nhân rộng. Với nhiều giải pháp đang triển khai, hy vọng trong tương lai gần, thị trường lao động Việt Nam sẽ được bổ sung nhiều lao động có kỹ năng nghề.
Dưới góc độ đào tạo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y – Dược Cộng Đồng mong muốn, Nhà nước tăng cường đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà trường tuyển sinh, đào tạo nghề theo sát nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều lao động có kỹ năng nghề của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng thường xuyên đổi mới phương thức đào tạo kết hợp đào tạo kỹ năng cho học sinh sinh viên để khi ra trường các em không chỉ vững tay nghề mà còn có kỹ năng số theo tiêu chuẩn mới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội