Phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS

HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus nguy hiểm gây bệnh truyền nhiễm mãn tính và có thể dẫn đến bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) nếu không được điều trị. Có nhiều lời đồn thổi về đường lây truyền của HIV, vì vậy bạn đừng cho rằng những điều bạn nghe được đều là đúng. Hãy tìm hiểu trước khi tiêm chích hoặc quan hệ tình dục, ngay cả khi bạn cho rằng như vậy là an toàn hoặc “không thực sự giao hợp.”

Phần1: Hiểu về đường lây truyền của HIV

1. Biết về các chất dịch có chứa HIV. Người có HIV không lây truyền virus cho người khác khi hắt hơi hay bắt tay như bệnh cảm cúm thông thường. Người ta chỉ có thể bị lây nhiễm HIV nếu có tiếp xúc với một trong các chất dịch sau:

  • Máu
  • Tinh dịch và dịch tiết trước khi xuất tinh
  • Dịch trực tràng (dịch có trong hậu môn)
  • Dịch tiết âm đạo
  • Sữa mẹ
  • Nước bọt (chứa một lượng virus rất nhỏ, nhưng các enzyme trong nước bọt sẽ làm thoái hoá virus)

2. Bảo vệ các bộ phận dễ bị lây nhiễm HIV. Cách tốt nhất để phòng tránh HIV là không tiếp xúc với tất cả các chất dịch trên. Tuy nhiên, các bộ phận sau đây của cơ thể sẽ dễ bị lây nhiễm hơn nhiều nếu phơi nhiễm với các chất dịch nhiễm HIV:

  • Trực tràng
  • Âm đạo
  • Dương vật
  • Miệng
  • Các vết cắt và vết thương, đặc biệt là khi chảy máu

3. Đi xét nghiệm HIV cùng với bạn tình. Nhiều người bị nhiễm HIV mà không hề biết mình có HIV. Cách chắc chắn nhất là đến bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ để xét nghiệm HIV qua mẫu nước bọt hoặc mẫu máu, nhưng bạn cũng có thể sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà. Hãy đi xét nghiệm mỗi khi bạn có quan hệ tình dục với bạn tình mới. Kết quả “âm tính” có nghĩa là bạn không có virus này, và kết quả “dương tính” có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV.

  • Nhiều bệnh viện có dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí.
  • Bạn có thể nhận được kết quả trong 1 tiếng, nhưng kết quả này không đáng tin cậy 100%. Để có kết quả chính xác, bạn hãy yêu cầu gửi mẫu đến phòng thí nghiệm hoặc nhờ một nhân viên khác xét nghiệm lần nữa.
  • Ngay cả khi có kết quả âm tính với HIV, bạn vẫn có thể nằm trong số các trường hợp mới bị lây nhiễm. Bạn cần thực hiện các biện pháp đề phòng trong 3-6 tháng như người đã nhiễm HIV, sau đó quay lại xét nghiệm lần thứ hai.Các xét nghiệm khác nhau sẽ có “các giai đoạn cửa sổ” khác nhau.

4. Giữ an toàn trong các hành vi tiếp xúc. Các hoạt động sau đây không có nguy cơ cao lây nhiễm HIV:

  • Ôm, bắt tay hoặc chạm vào người có HIV dương tính
  • Dùng chung nhà tắm hoặc toa lét với người có HIV dương tính
  • Hôn người có HIV dương tinh – trừ khingười đó có vết cắt hoặc vết loét trong miệng. Nếu không chảy máu rõ ràng, nguy cơ nhiễm HIV là cực kỳ thấp.
  • Người không có HIV không bao giờ có thể “phát sinh” và lây truyền bệnh qua quan hệ tình dục hoặc các đường lây nhiễm khác. Tuy nhiên, bạn không thể biết chắc chắn 100% một người nào đó âm tính với HIV. Hãy nói chuyện về các bạn tình cũ của bạn và các xét nghiệm HIV để lập kế hoạch giảm nguy cơ lây nhiễm cho bản thân bạn và bạn tình.

Phần2: Quan hệ tình dục an toàn

1.Quan hệ tình dục với ít bạn tình hơn và chỉ với người đáng tin cậy.

Số lượng bạn tình của bạn càng ít thì nguy cơ một trong số họ nhiễm HIV càng thấp. Mối quan hệ mà trong đó những người bạn tình chỉ quan hệ với nhau sẽ có nguy cơ thấp nhất. Ngay cả khi đó, bạn cũng nên xét nghiệm và dùng biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục. Luôn luôn có rủi ro một người nào đó không chung thuỷ.

2. Chọn hành vi tình dục có nguy cơ thấp nhất.

Các hành vi này gần như không có nguy cơ lây truyền HIV, ngay cả khi một người có virus:

  • Mát-xa khiêu dâm
  • Thủ dâm hoặc kích thích bộ phận sinh dục bằng tay mà không tiếp xúc với dịch cơ thể
  • Thoả mãn bạn tình bằng đồ chơi tình dục nhưng không dùng chung. Để an toàn hơn, hãy dùng bao cao su bọc đồ chơi tình dục mỗi lần sử dụng và rửa sạch đồ chơi sau đó.
  • Tiếp xúc âm đạo hoặc hậu môn bằng tay. Nếu ngón tay bị đứt hoặc xước, bạn vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm, do đó bạn nên dùng găng tay y tế và chất bôi trơn gốc nước.

3. Quan hệ tình dục bằng miệng an toàn.

Nguy cơ lây nhiễm sẽ khá cao nếu bạn tiếp xúc miệng với dương vật của người có HIV dương tính. Nguy cơ lây nhiễm từ người có HIV dương tính khi họ dùng miệng tiếp xúc với dương vật hoặc âm đạo của bạn tuy hiếm xảy ra nhưng không phải là không thể. Bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây để giảm nguy cơ này và phòng tránh các bệnh khác:

  • Với kiểu quan hệ bao gồm dương vật: Đeo bao cao su bên ngoài dương vật. Bao cao su latex là hiệu quả nhất, sau đó là chất liệu polyurethane (PU). Không dùng bao cao su da cừu. Bạn có thể dùng bao cao su có hương vị để tăng cảm giác thú vị khi ân ái.
  • Với kiểu quan hệ bao gồm âm đạo hoặc hậu môn: Dùng màng chắn miệng trùm bên trên các bộ phận này. Nếu không có màng chắn miệng, bạn có thể cắt một chiếc bao cao su không có chất bôi trơn hoặc dùng miếng cao su latex tự nhiên.
  • Không cho bạn tình xuất tinh vào miệng.
  • Tránh quan hệ tình dục bằng miệng trong kỳ kinh nguyệt.
  • Tránh dùng chỉ nha khoa hoặc dùng tăm xỉa răng trước hoặc sau khi quan hệ bằng miệng, vì bạn có thể bị chảy máu.

4. Bảo vệ bản thân khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo.

Nguy cơ lây nhiễm HIV cho cả hai đều cao khi dương vật xâm nhập vào âm đạo, đặc biệt là với phụ nữ. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách dùng bao cao su hoặc bao cao su latex dành cho nữ — nhưng không dùng cả hai loại cùng lúc. Luôn luôn dùng chất bôi trơn gốc nước để giảm rủi ro rách bao cao su.

    • Vòng ngoài của bao cao su dành cho nữ luôn luôn phải bọc xung quanh dương vật và bên ngoài âm đạo.
    • Các biện pháp tránh thai khác khôngcó tác dụng phòng tránh HIV. Rút dương vật ra ngoài trước khi xuất tinh cũng không phòng chống được HIV.
    • Có khả năng nhưng không chắc chắn rằng những người phẫu thuật chuyển giới nữ thành nam có thể dễ lây nhiễm HIV hơn.

5. Thận trọng khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Các mô trực tràng rất dễ rách và tổn thương khi giao hợp. Người đưa dương vật vào có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, và nguy cơ này cực kỳ cao đối với người nhận dương vật. Bạn nên cân nhắc các hình thức quan hệ tình dục như mô tả trên đây. Nếu có quan hệ qua hậu môn, hãy dùng bao cao su và nhiều chất bôi trơn gốc nước.

    • Bao cao su dành cho nữ có lẽcó hiệu quả khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nhưng điều này chưa được nghiên cứu kỹ. Một số tổ chức khuyến nghị tháo vòng bên trong của bao cao su nữ, nhưng một số khác lại khuyên không nên.

6. Bảo quản và sử dụng bao cao su đúng cách.

Xem xét trước cách đeo và tháo bao cao su hoặc bao cao su dành cho nữ. Quan trọng là phải bóp núm trên đầu bao trước khi đeo bao su nam và giữ chặt gốc bao trước khi tháo ra. Trước khi giao hợp, bạn cần biết sử dụng bao cao su đúng cách:

  • Không bao giờ dùng chất bôi trơn gốc dầu với bao cao su latex hoặc cao su PU, vì nó có thể làm rách bao.
  • Chỉ dùng bao cao su còn hạn sử dụng.
  • Bảo quản bao cao su ở nhiệt độ phòng, không cất trong ví hoặc những nơi mà bao cao su có thể bị hư hại.
  • Sử dụng bao cao su ôm vừa khít nhưng dễ đeo.
  • Không kéo giãn bao cao su ra để kiểm tra.

7. Tránh các hành vi có nguy cơ cao.

Bất kể quan hệ tình dục theo hình thức nào, có một số hành vi có thể gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Động tác giao hợp mạnh làm tăng rủi ro rách bao cao su.
  • Thuốc diệt tinh trùng có chứa N-9 (nonoxynol-9) có thể gây kích ứng âm đạo và tăng nguy cơ rách bao cao su.
  • Không thụt rửa âm đạo hoặc trực tràng trước khi quan hệ tình dục. Việc này có thể gây kích ứng hoặc loại bỏ các vi khuẩn giúp chống nhiễm trùng. Nếu cần phải làm sạch những vùng này, bạn nên dùng tay rửa nhẹ nhàng bằng nước và xà phòng.

8. Tránh uống rượu bia và dùng chất kích thích trước khi quan hệ tình dục.

Những thứ này ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của bạn, khiến bạn dễ đưa ra các quyết đinh sai lầm, chẳng hạn như quan hệ tình dục không an toàn. Bạn chỉ nên quan hệ tình dục khi tỉnh táo, hoặc phải có kế hoạch trước để bảo vệ bản thân.

Phần3: Phòng tránh nhiễm HIV qua các đường không liên quan đến tình dục

1. Dùng kim tiêm và vật phẩm sạch khi tiêm chích.

Trước khi tiêm chích bất cứ chất nào, bạn cần đảm bảo kim tiêm phải được cất trữ trong bao bì sạch và chưa được người nào khác sử dụng. Không bao giờ được dùng chung bông gòn, lọ nước hoặc mọi vật phẩm dùng để tiêm chích với bất cứ ai khác. Kim tiêm vô trùng có bán tại các hiệu thuốc hoặc ở một số nơi có chương trình trao đổi kim tiêm miễn phí.

  • Hầu như không có nơi nào bắt buộc bạn phải giải thích lý do mua hoặc trao đổi kim tiêm.

2.Tránh những cơ sở xăm hình hoặc xỏ khuyên không đáng tin cậy.

Tránh xỏ khuyên hoặc xăm hình ở bất cứ nơi nào không phải là cơ sở chuyên nghiệp được cấp phép và trong môi trường phù hợp. Tất cả kim được sử dụng phải hoàn toàn mới, và bạn phải chứng kiến họ mở bao bì còn nguyên niêm phong. Việc sử dụng các vật phẩm không sạch có thể dẫn đến lây nhiễm HIV.

3.Tẩy rửa kim tiêm nếu không còn cách nào khác.

Bạn không có cách nào để tự khử trùng kim tiêm một cách an toàn tuyệt đối. Kim tiêm đã sử dụng luôn luôn có rủi ro lây truyền HIV. Chỉ dùng cách này khi bạn nhất định phải tiêm, và đừng kỳ vọng là nó hoàn toàn đảm bảo:

  • Hút nước máy sạch hoặc nước đóng chai vào bơm tiêm. Lắc hoặc gõ vào bơm tiêm để khuấy động nước. Chờ 30 giây, sau đó bơm hết nước ra.
  • Lặp lại thao tác trên nhiều lần cho đến khi không còn thấy dấu vết của máu.
  • Hút thuốc tẩy gia dụng đậm đặc vào bơm tiêm. Lắc hoặc gõ vào bơm tiêm, sau đó chờ 30 giây. Bơm thuốc tẩy ra.
  • Rửa sạch bơm tiêm bằng nước.

4. Cai nghiện ma tuý.

Ma tuý thường khiến cho người nghiện dễ có các hành vi nguy hiểm. Cách duy nhất chắc chắn để loại bỏ nguy cơ nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma tuý là ngừng tiêm chích. Bạn hãy đến trung tâm tư vấn và cai nghiện ma tuý để biết thêm thông tin và được giúp đỡ.

5.Áp dụng các biện pháp an toàn khi xử lý các vật nhiễm bẩn.

Dù là người sử dụng ma tuý hay nhân viên y tế, bạn phải thật cẩn thận khi xử lý kim tiêm đã sử dụng. Khi ở trong bệnh viện, hãy luôn luôn mặc định rằng mọi chất dịch đều có khả năng lây nhiễm, và mọi vật sắc nhọn hoặc vỡ đều chứa dịch lây nhiễm. Đeo găng tay, khẩu trang và áo dài tay. Dùng nhíp hoặc các dụng cụ khác để nhặt các vật nhiễm bẩn và vứt bỏ trong bao đựng trong suốt hoặc túi chứa rác thải sinh học nguy hại. Khử trùng toàn bộ bề mặt da, bàn tay và các vật tiếp xúc với máu.

Phần4: Thuốc và xét nghiệm

1.Cân nhắc sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để bảo vệ lâu dài.

Đây là loại thuốc uống mỗi ngày một viên, có công dụng giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV, nhưng chỉ được sử dụng theo toa. PrEP được khuyến nghị sử dụng cho những người không có HIV nhưng thường xuyên phơi nhiễm với bạn tình có HIV dương tính hoặc các vật phẩm nhiễm HIV.

  • Đến gặp bác sĩ 3 tháng một lần trong thời gian uống PrEP để kiểm tra tình trạng HIV và theo dõi các vấn đề về thận.
  • Hiện tại chưa thấy thuốc PrEP có ảnh hưởng nào trên bào thai, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có thai trong lúc đang uống thuốc PrEP.
  • PrEP chỉ có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm HIV, không có tác dụng phòng chống các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục. Ngay cả khi đang uống PrEP, bạn vẫn cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục.

2. Sử dụng thuốc điều trị phơi nhiễm HIV (PEP) ngay sau khi phơi nhiễm.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị phơi nhiễm HIV, hãy liên lạc với nhân viên y tế ở bệnh viện hoặc cơ sở điều trị HIV ngay lập tức. Nếu bắt đầu uống thuốc PEP không quá 72 giờ sau phơi nhiễm, bạn sẽ có khả năng chống nhiễm HIV. Bạn phải uống thuốc (hoặc thường là 2-3 loại thuốc) hàng ngày trong 28 ngày hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

  • Phương pháp này không đảm bảo tuyệt đối, do đó bạn vẫn nên xét nghiệm HIV sau khi hoàn thành liệu trình điều trị và xét nghiệm lần thứ hai cách lần đầu 3 tháng. Trong thời gian chờ kết quả, hãy cho bạn tình biết rằng bạn có thể đã nhiễm HIV.
  • Nếu bạn thường xuyênn phơi nhiễm, hãy uống PrEP hàng ngày như mô tả trên đây.

3. Hiểu về việc sử dụng phương pháp điều trị để phòng ngừa.

Những người có HIV dương tính sử dụng thuốc kháng retrovirus có thể kiểm soát được mức độ nhiễm một cách đáng kể. Một số người có HIV dương tính coi phương pháp điều trị này là một công cụ quan trọng giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho bạn tình âm tính với HIV. Các nhà nghiên cứu và nhân viên trong cộng đồng phòng chống HIV có ý kiến khác nhau về hiệu quả của việc này. Một số nghiên cứu cho thấy những người sử dụng “phương pháp điều trị như một cách phòng ngừa” (TasP) có xu hướng bỏ qua các biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như bao cao su. Mặc dù phương pháp điều trị chắc chắn có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng nó không hoàn toàn đảm bảo. Tất cả những người có liên quan đều phải được xét nghiệm thường xuyên để đánh giá nguy cơ.

4. Hiểu về khái niệm tải lượng virus không phát hiện được.

Người bị nhiễm HIV cần được xét nghiệm thường xuyên để xác định “tải lượng virus”, tức là nồng độ virus trong dịch cơ thể. Nếu được điều trị liên tục, người có HIV dương tính có thể có “tải lượng virus không phát hiện được”. Điều quan trọng là phải hiểu rằng người có tải lượng virus không phát hiện được vẫn có HIV và vẫn có thể lây truyền cho bạn tình. Mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy các kết quả rất khả quan về tỷ lệ lây nhiễm thấp (hoặc có thể không có nguy cơ), nhưng vẫn cần được nghiên cứu thêm để đánh giá nguy cơ một cách chính xác.Một số người có tải lượng virus không phát hiện được trong máu có thể có tải lượng virus cao hơn trong tinh dịch hoặc các dịch cơ thể khác.

5. Xét nghiệm thường xuyên.

Tất cả các đề nghị trên đây chỉ là biện pháp giảm bớt nguy cơ. Không có cách nào đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quan hệ tình dục hoặc sử dụng chất kích thích. Mọi thứ đều có thể không như ý muốn và tai nạn có thể xảy ra. Dù có áp dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục hay không, bạn cũng nên xét nghiệm HIV cách 3-6 tháng một lần. Nếu bạn có bất cứ hành vi nào làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, chẳng hạn như quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm với người khác, hãy tìm lời khuyên của chuyên gia y tế càng sớm càng tốt để xác định phương án xử lý tốt nhất.

 

Nguồn: Wikihow

Bài viết liên quan